Share this destination
Tháp Nhạn nằm trên Núi Nhạn, ngay trung tâm Tuy Hòa, hội đủ các yếu tố của kiến trúc, lịch sử và văn hóa. Cùng với hệ sinh thái Núi Nhạn, các miếu thờ, và Đài tưởng niệm liệt sỹ, đây là một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi du khách đến với phố biển Tuy Hòa.
Núi Nhạn thuộc phường Tuy Hòa, tỉnh Đắk Lắk, trước kia là phường 1, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Núi cao 64m lại ngay trung tâm nên từ trên núi, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát hết phường Tuy Hòa, phường Bình Kiến ở phía bắc, biển ở phía Đông, và phường Phú Yên ở phía Nam. Nhìn tổng thể núi Nhạn có hình dáng tựa loài chim Nhạn và đây cũng là nơi chim nhạn về đây sinh sống và làm tổ từ xa xưa, nên người dân mới gọi là Núi Nhạn.
Trên đỉnh Núi Nhận là Tháp Nhạn, ngọn tháp được người Cham Pa xây dựng từ cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, với chiều cao khoảng 24m. Tháp được xây hoàn toàn bằng gạch nung xếp khin khít tạo thành một khối vững chắc. Mặt chính quay về hướng Đông, hướng sinh khí, còn lại hai mặt bên và sau xây kín, giúp tháp mát mẻ về mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Toàn bộ tháp từ móng, đế, thân, mái đều xây bằng gạch đặc, có kích thước rộng 10,5cm, dài 33cm, dày 8,1cm; Mặt bằng đế và thân tháp hình vuông có chiều cao 24m, biểu trưng cho đất, cho âm tính, hay còn gọi là yoni. Trong đó, đế tháp lớn hơn thân tháp, có chiều cao khoảng 3,3m. Thân tháp hình vuông, mỗi cạnh 10,5m, cao khoảng 9,3m, tường xây dày khoảng 3m.
Mái tháp có 4 lớp có chiều cao khoảng 8,5m. Lớp dưới cùng với 4 tai trụ lớn ở bốn góc trông xa như bốn búp sen và các gờ chỉ nhô ra khỏi thân tháp tựa như sê-nô mái nhà. Lớp thứ hai và thứ ba mỗi lớp cũng có 4 búp sen, càng lên cao nhỏ lại và nhọn dần. Lớp trên cùng là hòn đá lớn nguyên khối đáy hình vuông, trên cong đều nhọn dần theo bốn phía, được gọt đẽo tinh xảo, đó là biểu tượng của linga, là sinh thực khí nam, tượng trưng cho thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo; linga mang dương tính, biểu thị năng lực sáng tạo của con người. Biểu tượng Linga và Yoni tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, con đàn cháu đống và sự phát triển của cộng đồng.
Cửa tháp dạng vòm cuốn rộng hơn 2m. Bên trong tháp là khoảng trống hình vuông mỗi cạnh 4.5m, cao khoảng 15m, cốt nền tháp cao 1,8m so với sân bên ngoài. Việc bài trí thờ cúng rất đơn giản, không xây bệ thờ, chỉ làm bàn thờ bà chúa thiên Yana nhìn ra cửa.
Trải qua bao mùa mưa gió, thời gian gần 10 thế kỷ, do chiến tranh tàn phá, Tháp Nhạn đã qua hai lần tu bổ, lần một vào năm 1960, lần hai vào năm 1994. Nhìn chung hình khối, đường nét, màu sắc của tháp vẫn như xưa, chỉ khác về vật liệu tu bổ tháp. Tháp Nhạn được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1998 và “Di tích Quốc gia đặc biệt” vào ngày 18/8/2019.
Vào mỗi dịp lễ, Tết, mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, người dân trong vùng đều đến Tháp Nhạn dâng hương và cầu nguyện. Đặc biệt, vào dịp Rằm tháng Giêng, Tháp Nhạn là địa điểm diễn ra Hội thơ Nguyên Tiêu, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và du khách gần xa. Quan trọng nhất là Lễ hội vía Bà của người Chăm vào tháng 3 Âm lịch hàng năm, nhằm Tạ ơn Mẹ Xứ sở - Vị thần đã có công dạy người dân nghề nông, nghề dệt, che chở và bảo vệ mọi người khỏi thiên tai.
Tháp Nhạn là một trong những di tích văn hóa lịch sử quan trọng của Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung. Công trình này có giá trị lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật vô cùng quý báu, đặc biệt là trong việc nghiên cứu và khám phá văn hóa Chăm Pa tại Phú Yên. Từ bao đời nay, hình ảnh núi Nhạn, cầu Đà Rằng, bên dòng Sông Ba uốn lượn thơ mộng đã trở thành một biểu tượng của cả tỉnh Phú Yên.
Share this destination